Chiều 1/12, tại Hà Nội, Diễn Đàn Mô Phỏng Nghị Viện Trẻ (VNYP) đã tổ chức buổi Tọa đàm “Đề xuất Thuế cacbon nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải CO2 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”, với kỳ vọng sẽ giảm thiểu lượng khí CO2 phát thải ra ngoài môi trường, đóng góp vào quá trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã và đang là một trong những thành viên tích cực nhất.
Ảnh minh hoạ: Internet
VNYP là dự án giáo dục đồng tổ chức bởi nhóm VNYP và Đại Học Luật Hà Nội với mục đích nâng cao nhận thức, vai trò, năng lực của thế hệ trẻ Việt Nam trong quy trình hoạch định chính sách. Năm 2018, Việt Nam đã vượt qua hơn 1.300 hồ sơ đến từ 150 quốc gia để trở thành đại diện duy nhất nhận được tài trợ từ Cuộc thi Alumni Engagement Innovation Fund (AEIF) của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tại buổi Tọa đàm, nhóm VNYP cho rằng để đạt được mục tiêu cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, có thể tiết giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có những sự chuẩn bị và hành động thiết thực để đảm bảo về đích đúng thời hạn.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Lê Văn Hưng, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động tiêu cực tới đời sống con người. Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2100, nếu nước biển dâng 1m thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mất 7,6 triệu tấn lúa, tương đương1/4 tổng sản lượng cả vùng. Thực tế đó một lần nữa dóng lên hồi chuông báo động về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến trầm trọng hơn, nên cần có hành động để thực sự thay đổi từng ngày hiện trạng này. Trong các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế CO2 được sử dụng tương đối phổ biến. Đây là loại thuế tính vào lượng CO2 của thiên nhiên- một trong những tác nhân làm trái đất nóng lên và gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Đối tượng chịu thuế CO2 chủ yếu là nhiên liệu hoá thạch như xăng dầu, methanol, butan, khí hoá lỏng, than bùn, than đá. Cơ sở tính thuế là lượng khí thải CO2 tính theo tấn khí thải. Thuế suất CO2 có thể được xác định tương đối theo tỷ lệ phần trăm hay thuế suất tuyệt đối hoặc hỗn hợp.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Phương, Trưởng Bộ môn Luật Môi trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, để giảm phát thải khí C02, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đưa ra Thông tư 24/2017 (Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc môi trường) cho các doanh nghiệp nhưng vẫn cần tuyên truyền ý thức cho cộng đồng, bởi đánh thuế bảo vệ môi trường cụ thể là thuế Cacbon chính là sử dụng công cụ kinh tế, tác động vào giá cả tới 2 đối tượng là nhà sản xuất và doanh nghiệp. Nhưng thuế bảo vệ môi trường không có thể tác động vào hành vi đối với doanh nghiệp độc quyền và người tiêu dùng, bởi họ có sản phẩm thay thế khác.
Chính vì vậy, để giảm thiểu biến đổi khí hậu, Việt Nam cần áp dụng ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ để nghiên cứu và phát triển, tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường, giảm thiểu lượng khí CO2. Ngoài ra, Việt Nam cần có chính sách tín dụng xanh từ nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước cũng được nhiều nước đang phát triển sử dụng, nhằm cung cấp khoản tín dụng với mức lãi suất ưu đãi cho người nghiên cứu, sản xuất các thiết bị kiểm soát ô nhiễm và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất xanh.
Nguồn Tin Môi Trường – Diệu Thúy