Liệu những bộ quần áo bạn đang mặc có thực sự ”vô thưởng vô phạt” với môi trường?
Liệu những bộ quần áo bạn đang mặc có thực sự ”vô thưởng vô phạt” với môi trường?
Một cách đơn giản mà tiết kiệm giúp giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu trong tương lai là hạn chế mua mới và kéo dài “tuổi thọ’’ cho tủ quần áo, theo Bloomberg.
Theo một báo cáo hồi năm 2017 của Tổ chức từ thiện Ellen MacArthur Foundation, cách này có thể giảm thiểu rủi ro tác động lên môi trường có liên quan đến quần áo xuống 44%. Kết quả nghiên cứu sau đó cũng được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ủng hộ, qua đó nhấn mạnh rằng việc hạn chế mua mới quần áo có thể ngăn đáng kể lượng khí phát thải được tạo ra trong quá trình sản xuất của ngành công nghiệp may mặc.
Theo Bloomberg, doanh số quần áo trên toàn cầu đang tăng vọt. Mọi người đang có xu hướng mua sắm nhiều hơn, ngay cả khi họ không thực sự cần dùng đến chúng.
“Doanh số bán hàng ngày càng tăng khi mọi người muốn mua nhiều quần áo. Không thể phủ nhận những con số khổng lồ này’’, Laura Balmond, Trưởng nhóm Sáng kiến Thời trang của Quỹ Ellen MacArthur cho biết.
Thực tế, ngành công nghiệp thời trang đang gián tiếp khiến môi trường ô nhiễm do chiếm từ 2% đến 8% lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Việc sản xuất hàng loạt các polyester, nguyên liệu chủ yếu trong ngành may mặc, cũng góp phần giải phóng các vi sợi nhựa và gia tăng chất thải tại các bãi chôn lấp. Hiện chưa đến 1% quần áo cũ được thu gom để phục cụ công cuộc tái chế.
Doanh số bán hàng ngày càng tăng khi mọi người muốn mua nhiều quần áo
Một ý tưởng đang thu hút sự quan tâm của các tập đoàn may mặc có tên “tính tuần hoàn”, thuật ngữ ám chỉ việc tái sử dụng, bán lại hoặc tái chế các sản phẩm để kéo dài tuổi thọ của chúng. Mô hình kinh doanh này đang được khuyến khích mở rộng và phát triển để góp phần bảo vệ môi trường.
Sau khi tổ chức sự kiện “Worn Wear” để khách hàng mang áo khoác cũ đến sửa chữa hoặc đổi lấy mới, Patagonia đã ra mắt thương hiệu trên thị trường trực tuyến vào năm 2017 để mở rộng chuỗi chương trình xanh. Năm tiếp theo, North Face thí điểm chương trình tương tự có tên Renewed nhằm bán lại các mặt hàng đã qua sử dụng của mình. Ngoài ra, thị trường bán lại quần áo cũ của bên thứ 3 cũng đang rất sôi động, chẳng hạn như Sellpy, Depop, The RealReal và ThredUp.
Theo báo cáo hồi đầu năm 2022 của ThredUp, thị trường đồ cũ đã mở rộng quy mô từ khoảng 11 tỷ USD trong năm 2012 lên 35 tỷ USD vào năm 2021, đồng thời dự kiến chạm mốc 82 tỷ USD vào năm 2026.
Các chiến dịch cho thuê quần áo cũ cũng được nhiều thương hiệu triển khai, chẳng hạn như Take Rent the Runway, một trang web thuê quần áo trực tuyến được ra mắt vào năm 2009. Việc kinh doanh được mở rộng không ngừng trong những năm tiếp theo, với rất nhiều mặt hàng phong phú và đa dạng. Tháng 10 năm ngoái, công ty này cũng chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, bất chấp việc doanh thu những tháng đầu năm 2022 tăng cao, Rent the Runway vẫn lỗ 42,5 triệu USD trong quý I.
“Chúng ta có rất nhiều câu chuyện về tính tuần hoàn. Trọng tâm nên hướng tới, là giới hạn số lượng quần áo được sản xuất. Chúng quá nhiều và đôi khi chúng ta mua mà không mặc đến’’, Veronica Bates Kassosystem, chuyên gia phân tích thời trang độc lập cho biết.
Trong khi phần lớn lượng khí thải nguồn từ quá trình từ sản xuất, việc sử dụng năng lượng để giặt và sấy cũng khiến môi trường chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết mọi người đều sẽ vứt bỏ quần áo sau khi mặc chúng từ 7 đến 10 lần. Liệu có ai tự hỏi, mỗi bộ quần áo nên mặc bao nhiêu lần là phù hợp: 60, 100 hay 200?
Theo Jin Su, phó Giáo sư Khoa Nghiên cứu Người tiêu dùng, Quần áo và Bán lẻ tại Đại học North Carolina Greensboro, “thật khó để đưa ra một con số cụ thể bởi mục tiêu sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại quần áo và chất liệu vải’’.
Minh chứng cho điều này có lẽ là câu chuyện sản xuất quần Jeans của Quỹ Ellen MacArthur, một liên minh bao gồm rất nhiều chuyên gia, thương hiệu, nhà bán lẻ và nhà sản xuất. Họ muốn một chiếc quần jean thông thường có thể chịu tối thiểu 30 lần giặt mà vẫn giữ nguyên chất lượng. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc phải có ai đó sẵn sàng mặc chúng hơn 30 lần để tận dụng tối đa “thời hạn sử dụng’’.
Được biết quá trình giặt quần áo cũng sẽ tác động tới khí hậu. Trong khi phần lớn lượng khí thải nguồn từ quá trình từ sản xuất, việc sử dụng năng lượng để giặt và sấy cũng khiến môi trường chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Lời khuyên được đưa ra, là bạn hãy giặt bằng nước mát và để chúng tự khô bằng nhiệt độ tự nhiên.
Ngoài ra, bạn cũng không cần phải giặt quần áo quá nhiều lần. Theo Quỹ Ellen MacArthur, len đắt hơn những chất liệu có nguồn gốc từ sợi nhựa, song lại có khả năng hút ẩm tốt và độ bền cao. Để chứng minh cho điều này, người sáng lập Wool & Prince, Mac Bishop, đã mặc một chiếc áo len trong 100 ngày mà không giặt. Câu chuyện này nhanh chóng được lan truyền và giúp công ty ra mắt thành công dòng sản phẩm Bishop mới.
Bạn không cần phải giặt quần áo quá nhiều lần
Wool & Prince cũng thường xuyên tặng thưởng cho những khách hàng mặc một món đồ trong 100 ngày liên tục, sau đó giảm giá cho những lần mua hàng tiếp theo. Theo Rebecca Eby, Giám đốc trải nghiệm khách hàng và cộng đồng của Wool &’s, hơn 4.000 người đã hoàn thành thử thách.
“Tôi bắt đầu với tư cách là một khách hàng tham gia thử thách và nó đã thay đổi cuộc đời tôi,” Eby nói, đồng thời cho biết hiện tại, cô hầu như chỉ mặc đồ sợi tự nhiên, chủ yếu là đồ len và hạn chế giặt chúng hơn so với trước. Việc tham gia thử thách để lấy điểm thưởng cũng gián tiếp tạo thói quen mua sắm mới cho các khách hàng của Wool & Prince.
Tuy nhiên, trong nỗ lực thúc đẩy lối sống mặc ít đi, gặt ít đi, công ty này thừa nhận vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
“Đó chắc chắn là thử thách mà chúng tôi cần cố gắng vượt qua”, cô nói.
Theo: Bloomberg, CNBC