Bảo vệ môi trường phải trở thành một nét văn hoá

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy khi tiếp đoàn đại biểu Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, chiều 6/12.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giáo cao những nỗ lực, cố gắng của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Ảnh: VGP

Được thành lập từ năm 1998, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VANE) là nơi “hội tụ” những nhà khoa học hàng đầu về tài nguyên và môi trường trên cả nước. Nhờ đó, Hội đã và đang làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân; góp phần đưa nội dung bảo vệ thiên nhiên và môi trường vào chương trình giảng dạy trong trường học, đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật và các quy định về bảo vệ môi trường thiên nhiên.

VANE đã có nhiều đóng góp tích cực qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật, phản biện khoa học, tuyên truyền và xây dựng các mô hình sản xuất bền vững.

TS. Nguyễn Trọng Sinh, Chủ tịch VANE chia sẻ sự trăn trở làm thế nào để phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng bảo vệ tài nguyên và môi trường nhằm phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

“Để thực hiện được điều này, trước hết chúng ta phải xây dựng một chiến lược huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng bảo vệ tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đối với các DN, nhất là DN vừa và nhỏ rất cần được chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời đánh giá, xếp hạng nỗ lực của các DN thân thiện môi trường và an toàn sức khỏe, phát động phong trào thi đua giữa các doanh nghiệp trong bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Trọng Sinh bày tỏ.

Ảnh: VGP

Đánh giá cao những nỗ lực của VANE trong hoạt động bảo vệ thiên nhiên, môi trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu phát triển hiện nay phải nhanh hơn nhưng cũng phải bảo đảm bền vững, bảo vệ môi trường, bởi nếu chỉ vì mục tiêu phát triển trước mắt mà không lưu ý đến môi trường thì sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí để khắc phục.

Phó Thủ tướng cho biết, theo một số tính toán của các nhà khoa học, hiện nay chi phí để khắc phục các vấn đề về môi trường khoảng 2-3% GDP. Và nếu không có những thay đổi lớn thì nền kinh tế Việt Nam tăng 1% GDP thì chi phí khắc phục, bảo vệ môi trường có thể tương đương 3% GDP. Trong khi đó, nghiên cứu ở nhiều nước phát triển cho thấy nếu không quan tâm đến vấn đề môi trường thì đến lúc khắc phục hậu quả có thể mấy nhiều chục phần trăm GDP, hàng chục năm.

“Nhiều nơi ở phá núi, phá rừng, lấp ao, hồ. Nhiều vùng quê không còn tiếng ếch kêu, đồng ruộng không còn cua, cá do sử dụng nhiều hoá chất. Các dòng sông kêu cứu. Đây là những bài học cần rút ra sâu sắc. Nhưng xử lý vấn đề môi trường cũng không thể cực đoan là không cho xây dựng nhà máy mà làm sao để các nhà máy tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định xử lý chất thải, nước thải bảo đảm chất lượng trước khi xả ra môi trường. Bảo vệ môi trường phải trở thành một nét văn hoá của DN”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tuy nhiên, hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ liên quan đến DN, hộ kinh doanh mà đến từng người dân trong sinh hoạt hàng ngày. Ngay từ câu chuyện phân loại rác sinh hoạt để tái chế hay hạn chế dùng túi nylon thì tiết kiệm rất lớn cho nền kinh tế.

“Vấn đề là làm sao huy động sức mạnh từ cộng đồng, có cơ chế cho DN, vận động quần chúng nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào bảo vệ môi trường. Để làm được điều này cần sự chung tay từ Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền các cấp đến DN, cộng đồng, đặc biệt là vai trò lan toả của các hội, đoàn thể”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ :

Tin liên quan

Di chuyển lên đầu